Biếm họa chưa phát huy hết “công lực”

Ông Mai Ngọc Phước - Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TPHCM - đơn vị phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) tổ chức thực hiện cuộc thi “Vẽ tranh biếm về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí” (từ tháng 10.2013 - 9.2014) - nói: “Một tờ báo có bài viết chống tham nhũng, dùng một bức ảnh minh họa có khi rất khó, và khô khan, bạn đọc cũng khó tiếp cận, nhưng nếu bài viết về đấu tranh chống tham nhũng có minh họa đi kèm là một tranh biếm họa thì rõ ràng việc tiếp cận của bạn đọc với bài báo nhanh hơn, bài báo có tác động hơn”.
Song, nếu trong thực tế cuộc sống, việc chống quốc nạn tham nhũng, lãng phí chỉ được thực hiện theo lối “dùng phất trần phẩy bụi”, thì trên báo chí, phỏng liệu những bức biếm họa chống các “quan tham” có thực sự phát huy hết “công lực”?
Ông Nguyễn Văn Hùng - Hàm vụ trưởng Vụ Báo chí (Ban Tuyên giáo T.Ư) - với cái nhìn sắc bén của một người quản lý báo chí, đã đưa ra nhận xét: “Nhiều tờ báo của chúng ta luôn coi tranh biếm họa là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh tư tưởng, chống thói hư tật xấu, tham nhũng, lãng phí. Một số tờ báo trở nên nổi tiếng nhờ thành công ở mảng đề tài này. Có những tờ báo, trước đây, nói đến họ, độc giả nhớ tới mảng đề tài châm biếm, đi liền là tên tuổi các họa sĩ, cộng tác viên nòng cốt của báo đó. Độc giả quan tâm và thích tranh biếm họa, có những biếm họa có thể khiến họ cười chảy nước mắt; nhưng bây giờ, hình như ít có tranh biếm họa hay, độc đáo trên báo ra mỗi ngày…
Cũng chưa phải báo nào cũng coi trọng mảng tranh biếm họa, thậm chí mảng này còn bị coi nhẹ hay không được quan tâm đúng mức; không phải báo nào cũng có mảng tranh biếm họa, có báo gần như không có. Một số báo trên trang nhất có tranh biếm họa đập vào mắt người đọc ngay, nhưng chưa nhiều. Sức lan tỏa của việc dùng tranh châm biếm chống tham nhũng, lãng phí, có thể nói, như thế còn bị hạn chế…”
Không dùng biếm họa chỉ để tỏ thái độ “vẽ cho… bõ tức”
Về cơ bản, cho đến giờ, hiếm có biếm họa nào trên các báo Việt Nam bị các đơn vị quản lý báo chí mang ra nhận xét, “tuýt còi”. Điều này cũng là một biểu hiện, không có vùng cấm trong sáng tạo tranh biếm họa đối với báo chí Việt Nam hiện nay. Vậy trở lại với câu hỏi, thế thì tại sao hiện nay, hiếm thấy biếm họa hay, độc đáo trên báo chí của chúng ta?
Một cách cầu thị, khiêm tốn, những người sáng tác cũng cần nhìn nhận tay nghề của mình. Nữ họa sĩ hiếm hoi vẽ biếm họa, Nguyễn Thị Diệp Thanh (bút danh Sói) cho rằng, biếm họa hiện nay đối mặt với nhiều khó khăn vì biếm họa chỉ trích cái xấu, thì chịu sự thù ghét, gây khó dễ từ những đối tượng bị chỉ trích, do đó ở các tòa báo, cần sự tỉnh táo của ban biên tập và họa sĩ.
Từ kết quả cuộc thi “Vẽ tranh biếm đề tài công khai minh bạch trên báo chí” (cuộc thi có 615 tranh dự thi của 35 cây cọ chuyên và không chuyên đến từ 12 tỉnh - thành), ông Mai Phan Lợi - Chủ tịch Hội đồng khoa học MEC - nhận xét: Tính chiến đấu của một số tranh chưa cao, ngoài những ý sai chủ đề, chủ đề không phù hợp, các bức tranh còn lạm dụng chữ, ý tưởng trừu tượng, hay ý quá phức tạp, ý tưởng quá đơn giản, hay quá… thật thà, ý tưởng còn sơ sài, so sánh chưa thuyết phục…
Một vài nhận xét trên đây, có thể nói, cũng đúng cho nhiều biếm họa hiện được dùng trên các tờ báo hiện nay của chúng ta.
Ý tưởng sâu, mới lạ, hài hước, thời sự được coi là tiêu chí hàng đầu của một bức biếm họa và cũng của một tay vẽ biếm họa. Theo họa sĩ có bút danh Cua Con, họa sĩ biếm phải biết vẽ… tốt, có phong cách, có tâm hồn nghệ sĩ… “Ngôn ngữ của biếm họa cần giản dị, dễ hiểu, mạnh mẽ, mang tính khái quát cao. Hạn chế tối đa cách thể hiện rườm rà, cường điệu, khó hiểu. Muốn phê phán thâm thúy thì người vẽ phải có chiều sâu văn hóa, ý nhị, sâu sắc, dùng ngôn ngữ (hình, từ) trong tranh biếm, không phải là để nói cho bõ tức…” - ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, cần khuyến khích các cơ quan báo chí quan tâm mảng tranh biếm họa, và hy vọng, từ đó sẽ tạo sự cộng hưởng cần thiết - nâng cao tính chiến đấu của tranh biếm họa. Việc dùng tranh biếm họa cũng là một cách bày tỏ trách nhiệm, thái độ của các cơ quan báo chí trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống tham nhũng, lãng phí. Việc tổ chức thẩm định xem xét các cơ quan báo chí làm tốt công việc minh bạch thông tin phòng, chống tham nhũng, lãng phí có ý nghĩa thiết thực trong việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Đảng, Chính phủ hiện nay trong phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Theo: báo lao động