Tìm kiếm Thành Viên HỘI ĐỒNG HƯƠNG Giới Trẻ Ninh Bình

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

Đất và Người Ninh Bình theo dòng lịch sử

Từ lâu, Ninh Bình đã nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh thơ mộng, quyến rũ và đậm chất văn hóa. Đó là nhà thờ đá Phát Diệm, Tam Cốc, Bích Động (cảnh quan môi trường giống như Vịnh Hạ Long trên cạn), rừng nguyên sinh Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, động Vân Trình, suối nước nóng Kênh Gà và cố đô Hoa Lư gắn liền với tên tuổi vị vua có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước - Đinh Tiên Hoàng.
Ninh Bình, vùng đất chứa đựng biết bao sự tích huyền thoại và chứng tích lịch sử. Qua thần tích và thần phả các đình chùa miếu mạo, các đền thờ còn lưu lại, kết hợp với các sử liệu từ thời dựng nước, người và đất Ninh Bình đã gắn liền với nhiều sự tích truyền thuyết và huyền thoại. Đó là một vùng đất cổ, có con người cư trú từ rất sớm.
Dấu tích của con người sinh sống ở Ninh Bình đã được tìm thấy ở hang Thung Lang (thuộc phường Nam Sơn, thị xã Tam Điệp) do nhà địa chất học người Pháp Frômagét phát hiện năm 1948. Các nhà khảo cổ học khẳng định, người Thung Lang cùng loại hình người Kéo Lèng (Lạng Sơn) - tức người khôn ngoan có niên đại cách đây 3 vạn năm. Năm 1966, Viện khảo cổ học đã phát hiện ở hang Đăng Đắng (Cúc Phương, Nho Quan) có di tích của người thuộc văn hoá Hoà Bình, cách ngày nay từ 7.000 đến 8.000 năm …
Cửa biển Thần Phù (đất Yên Mô ngày nay) với huyền thoại từ thời vua Hùng đã xuất hiện đạo sĩ La Viện được phong hiệu là Áp Lãng chân nhân từng nhiều lần hiện lên đè sóng cả, giữ cho biển lặng giúp nhà vua đi đánh giặc. Vua Hùng đã cho xây thành Lưu Thủ để bảo vệ cửa biển Thần Phù, thành đã bị phá từ thời thuộc Minh (1407 - 1427), nhưng hiện nay vẫn còn dấu tích ở vùng Yên Tế, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh (người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, nay thuộc huyện Gia Viễn) dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập triều Đinh (968-980), đặt tên nước là Đại Cồ Việt, dựng đô ở Hoa Lư (nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), vùng đất này gọi là châu Đại Hoàng; thời nhà Tiền Lê (980-1009) gọi là Châu Trường Yên sau đổi là châu Đại Hoàng.
Thành Trường Yên, kinh đô nước Đại Cồ Việt xưa kia do Đinh Bộ Lĩnh xây đắp nằm trên khoảng đất phẳng trong khu vực núi đá thuộc huyện Gia Khánh ( nay là huyện Hoa Lư). Thành có địa thế hiểm trở, bên bờ sông Hoàng Long, gồm 2 khu Thành Ngoại và Thành Nội; mỗi khu có 5 bức tường thành nối liền các ngoại núi tạo nên một thành lũy kiên cố về mặt quân sự. Những bức tường thành ngày nay vẫn còn di tích, là biểu tượng tự hào của dân tộc, đời đời nhắc đến Cố đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền triều Đinh - Tiền Lê. Năm 1009, Lý Công Uẩn lập nên triều Lý (1009-1225).
Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (nay là Hà Nội). Thời nhà Lý, vùng đất này thuộc phủ Trường Yên (chủ yếu là vùng đất phía nam Ninh Bình, còn phần đất phía Tây Bắc huyện Gia Viễn và Nho Quan là châu Đại Hoàng). Đầu thời nhà Trần, vùng đất này gọi là lộ Trường Yên, sau đổi là trấn Trường Yên. Năm Quang Thái thứ 10 (1398) đời vua Trần Thuận Tông, đổi gọi là trấn Thiên Quan. Thời thuộc Minh (1407-1428), gọi là Châu Trường Yên.
Thời nhà Lê, vùng đất này chia làm 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan, thuộc trấn Thanh Hoa. Đời Vua Lê Thánh Tông, 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan nhập vào Sơn Nam thừa tuyên.
Cuối đời Trần và đầu đời Hồ, Hồ Quý Ly cho xây thành Quảng Công trên đất xã Yên Thái, Yên Mô ngày nay. Ở địa đầu huyện Yên Mô còn có Cửu Chân quan và thành Lê Thiên Phúc. Cửu Chân quan (cửa ải Cửu Chân) được xây dựng trên Kẽm Đó gần đèo Ba Dội. Cách Cửu Chân quan chừng 4 km theo đường chim bay là thành Lê Thiên Phúc do Vua Lê Đại Hành cho xây dựng từ năm Thiên  Phúc thứ 3 (982) khi ông đem quân đi đánh Chiêm Thành. Thành Lê Thiên Phúc hiện nay còn dấu tích trên khu đất cao đầu làng Quảng Nạp ( xã Yên Thắng, Yên Mô). Đây còn là nơi đóng quân của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, này còn đền thờ ông ở xã Yên Thắng. 
 Năm Đinh Tỵ (1257), Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông rồi lên làm Thái Thượng Hoàng. Ông về lập am Thái Vi trong một thung lũng nhỏ. Năm 1285, trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2, các vua Trần rút khỏi kinh thành Thăng Long, vào ở trong điện Thái Vi, lập hành dinh Văn Lâm - Vũ Lâm nay thuộc hai xã Ninh Hải và Ninh Thắng thuộc huyện Hoa Lư. Cuối đời Trần, khi cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ thất bại, con cháu nhà Trần là Trần Ngỗi đã dựa vào đất Mô Độ (Yên Mô) đứng lên khởi nghĩa năm 1047 và lập nên nhà Hậu Trần. Trần Ngỗi lên ngôi ở đất Yên Mô, xưng là Giản Định Đế. Nay ở xã Yên Thành còn lăng và đền thờ các đời vua nhà Hậu Trần.
Thời nhà Mạc (527-1592), 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan gọi là Thanh Hoa ngoại trấn. Sau khi nhà Mạc bị diệt, nhà Lê lại đem 2 phủ là Trường Yên và Thiên Quan nhập vào Thanh Hoa, gọi là Thanh Hoa ngoại trấn. Thời Tây Sơn gọi là Thanh Hoa ngoại trấn thuộc Bắc thành.
Triều đại Tây Sơn cũng đã để lại trên đất Ninh Bình biết bao dấu tích hào hùng. Người anh hùng dân tộc Quang Trung đã cho quân sĩ ăn Tết trước ở đèo Ba Dội (Tam Điệp) để chuẩn bị đại thắng quân Thanh vào Tết năm Kỷ Dậu (1789) và dấu tích quân Tây Sơn còn để lại trên chiến tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Hiện nay, trên đỉnh núi Sậu (thông Tịch Trân, xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô) còn cột cờ quân Tây Sơn năm nào, khi Ngô Văn Sở đem toàn quân rút vào đóng ở vùng Tam Điệp, lập đồn luỹ án ngữ con đường quân Thanh tiến vào Nam và chờ Quang Trung đem đại quân ra.
Thời  nhà Nguyễn, đầu đời Gia Long, vùng đất này vẫn gọi là Thanh Hoa ngoại trấn, gồm 2 phủ, 6 huyện (phủ Yên Khánh 3 huyện: Yên Khang, Yên Mô, Gia Viễn; phủ Thiên Quan 3 huyện: Phụng Hoá, Yên Hoá, Lạc Thổ). Năm Gia Long thứ 5 (1806), đổi Thanh Hoa ngoại trấn thành đạo Thanh Bình thuộc trấn Thanh Hoa. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình, địa danh Ninh Bình có từ đây, thuộc trấn Thanh Hoa. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), đổi đạo Ninh Bình thành trấn Ninh Bình (không còn thuộc trấn Thanh Hoa nữa). Cũng trong năm1829, thành lập huyện mới Kim Sơn thuộc phủ Yên  Khánh do doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ lập nên. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), đổi trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình, lúc đầu còn phụ thuộc vào sự cai quản của tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình), gồm 2 phủ, 7 huyện (phủ Yên Khánh 4 huyện: Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn, Kim Sơn; phủ Thiên Quan 3 huyện: Phụng Hoá, Yên Hoá, Lạc Thổ). Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), cắt tổng Thần Phù (huyện Nga Sơn, Thanh Hoá) về huyện Yên Mô. Năm Tự Đức thứ 15 (1862), đổi tên phủ Thiên Quan thành phủ Nho Quan. Thời thuộc Pháp năm 1888, cắt huyện Lạc Thổ về tỉnh Hoà Bình, đổi tên huyện Phụng Hoá thành huyện Nho Quan. Năm 1906, thành lập huyện Gia Khánh, gồm 4 tổng thuộc huyện Yên Khánh, 4 tổng thuộc huyện Gia Viễn, huyện Yên Hoá giải thể, huyện Gia Viễn chuyển về thuộc phủ Nho Quan.
Trong lịch sử chống Pháp cuối thế kỷ XIX, các nghĩa sỹ Cần Vương và sĩ phu yêu nước tỉnh Ninh Bình cũng đã đóng góp nhiều công tích. Đó là đội quân nghĩa dũng 500 người sẵn sàng đợi lệnh đánh giặc - Đó là di tích các đồn trong và đồn ngoài ở huyện Yên Khánh, gần ngã ba Độc Bộ của nghĩa quân Nguyễn Văn Giản tức Thiên Hộ Giản (1822-1892) chống Pháp và các di tích Vườn Bia (chỗ bắn bia), Gò Ngựa (nơi buộc ngựa), Gò Cán đàn tức vọng gác …
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Đông Dương, đất Lũ Phong (xã Quỳnh Lưu, Nho Quan) và đất Côi Trì (xã Yên Mỹ, Yên Mô) là hai nơi lập thành hai chi bộ cộng sảng đầu tiên của Ninh Bình. 
Đất Ninh Bình cũng đã đóng góp nhiều danh nhân cho Tổ quốc. Đặc biệt đây còn là nơi được chọn làm kinh đô của hai triều đại Đinh - Lê, những triều đại tiêu biểu cho một chế độ trung ương tập quyền chính thống đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Đinh Bộ Lĩnh, người anh hùng dân tộc đã có công dẹp 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối. Dưới triều Đinh, Ninh Bình còn có “tứ trụ triều đình” là Ngoại giáp Đinh Điền, Định Quốc công Nguyễn Bặc, Lưu Cơ và Trịnh Tú. Họ đều là những người Ninh Bình (làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn), đã xây dựng triều Đinh ngay từ thuở ban đầu. Tiếc rằng sử liệu để lại không nhiều nên các nhân vật như Lưu Cơ, Trịnh Tú chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ.
 Các nhân vật lịch sử của triều Đinh - Lê còn có Đinh Liễn, Lê Đại Hành, Dương Vân Nga, Phạm Bạch Hổ, Nguyễn Đê, Đào Cam Mộc, Phạm Hạp, Phạm Cự Lượng, Ngô Nhật Khánh, Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu v.v..
Triều Lý mở đầu ở đất Hoa Lư. Năm 1010 với Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Sử sách còn nhắc nhiều đến thiền sư Nguyễn Minh Không, người thông Đàm Xá (xã Gia Tiến, Gia Viễn) đã có công chữa bệnh cho Hoàng thái tử Dương Hoán năm 1136.
Về đời Trần, có Trương Hán Siêu, người thôn Phúc Am (thị xã Ninh Bình) là một nhà văn hóa lớn, đã để lại cho Bạch Đằng giang phú. Ông đã tham gia cuộc kháng chiến chống Nguyên  - Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1287-1288) dưới tướng Trần Hưng Đạo, được phong Hàn lâm học sĩ từ 1308, năm 1326 giữ chức Hành khiển dưới đời Trần Minh Tông, năm 1351 được thăng Tham tri chính sự; trên 80 tuổi còn đem quân Thần Sách trấn giữ Hóa Châu chống quân Chiêm Thành. Ông là một danh nhân mà sau mất, được 3 lần truy tặng: Thái Bảo, rồi Thái Phó, sau lại được Trần Nghệ Tông ban cho tòng tự ở Văn Miếu, sánh ngang với Chu Văn An.
Về mặt khoa bảng, đất Ninh Bình có 10 vị đỗ đại khoa (phó bảng và tiến sĩ trở lên), có một trạng nguyên, hai hoàng giáp, 4 tiến sĩ và 3 phó bảng. Người Ninh Bình đỗ đại khoa đầu tiên là Trương Hán Siêu (?-1354)
Dưới các triều địa Trần - Lê, Nho học phát triển, các danh  nhân, nho sĩ đất Ninh Bình đã có nhiều đóng góp đáng kể cho đất nước. Ngoài Trương Hán Siêu đời Trần, vào đời Lê phải kể đến họ Ninh ở Côi Trì (xã Yên Mỹ, Yên Mô), một nhà có ba tiến sĩ: Ninh Đạt đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Hởi (1659) đời Lê Thần Tông làm đến Giám sát Ngự sử; Ninh Địch đỗ Hoàng Giáp khoa Mậu Tuất thời Lê Dụ Tông (1718) là tới Đông Các Đại học sĩ và Ninh Tốn 19 tuổi đỗ Cử nhân, 35 tuổi đỗ Hội nguyên, làm tới Tham Tri chính sự kiêm Bồi Tụng thời Lê, đến thời Tây Sơn ông được phong Hàn lâm trực học sĩ, Thượng thư bộ Binh.
Dưới thời Lê, ở Thạch Lỗ ngũ thôn, nay là các xã Khánh Dương, Khánh An, Khánh Thịnh thuộc huyện Yên Khánh, các hậu duệ Tạ Đại Lang, Tạ Đại Thanh là Tạ Nhân Thọ, Tạ Nhân Niên, Tạ Nhân Khả đều có công lớn và được phong công hầu khanh tướng. Cũng ở huyện Yên Khánh, tổng Bồng Hải (xã Khánh Thiện) có Độ Tổng binh sứ Phạm Xuân chỉ huy quân đội triều định ở đạo Trường Yên đã cùng Phạm Đình Trọng dẹp loạn, được phong là “Oanh liệt Đại tướng quân, Hải Lượng hầu”.
 Đại Nam nhất thống chí có nói đến “Trường Yên thất hào”, bảy người Ninh Bình nổi danh đời Lê. Đó là Hiển trung đại phu Hoàng Trọng Cung người huyện Yên Khánh, Tham nghị Nguyễn Tử Dự người Giá Hộ (Hoa Lư), Thừa chính Nguyễn Đoan Tước người Phúc Am (thành phố Ninh Bình), Thị độc Ninh Thấu người Côi Trì (Yên Mỹ, Yên Mô), Hiến phó sứ Nguyễn Đình Chí, người Bồ Xuyên (Yên Thành, Yên Mô), Thiêm sự Trịnh Xuân người Yên Liêu (Khánh Thịnh, Yên Mô) và Tham chính Phạm Kiêm Huyền người Thiên Trì (Yên Mạc, Yên Mô).
Cuối thời Lê, ở Quảng Phúc (xã Yên Phong, Yên Mô) có Cử nhân Lê Khắc Hài, thời thế nhiễu nhương về quê nghỉ lấy cớ dưỡng bệnh, nhưng lại đảm nhiệm vai trò ấp trưởng, một chức sắc thấp nhất cốt để bảo vệ quyền lợi dân chúng tránh tệ quan liêu đục khoét của hào mục, sau mày được dân tông làm phúc thần. Ở thôn Đồng Phú (xã Khánh Thượng, Yên Mô) có Nguyễn Chính Dư đã có công dưới trướng Nhập nội “Đô đốc Bình Chương Lê Thụ đem đại quân đi đánh Chiêm Thành vào tận kinh đô Chà Bàn, sau được thăng Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Đông phù hầu, được nhân dân thờ làm phúc thần. Ở Gia Viễn có Đinh Huy Đạo, người thôn Ngọc Động làm đến Thượng thư bộ Công, tước Viễn Mưu bá, đã từng giúp vua Quang Trung trong nhiều trận mạc trên đường Quang Trung tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh Tết năm Kỷ Dậu (1789).
Dưới triều Nguyễn cũng vậy, biết bao công thần nghĩa sĩ đất Ninh Bình đã có công cho đất nước. “Yên Mô tứ xã” nay gồm Yên Mạc và một phần của 2 xã Yên Mỹ và Yên Từ huyện Yên Mô là bốn làng có nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng. Ở Thiên Trì (Phượng Trì, Yên Mạc) có Vũ Phạm Khải, người mà Tiến sĩ Dương Khuê đã coi là “… Văn chương mạc đại ư thị” (Văn chương chưa ai lớn được như thế); và Hoàng Giáp Phạm Văn Nghi phải thốt lên: “… Ông Đông Dương ở Phượng Trì là người bạn đáng sợ của tôi, mắt cao vượt một thời, tâm hùng hơn muôn kẻ. Những thơ văn  ông làm, ý tứ cao siêu, cổ kính, chữ dùng tươi tắn, rắn rỏi, chinh phục được lòng người… Tài khí của bạn tôi, bút lực của bạn tôi, tôi còn xa mới kịp..”. Cũng ở Yên Mạc, nhưng ở thôn Yên Mô thượng, nơi mà chỉ trong một thôn, đến giữa thế kỷ XIX đã có 56 vị đạt học vị sinh đồ (tú tài), có Phạm Thận Duật chỉ đỗ cử nhân, nhưng cuộc đời ông đã từng hai lần làm sơ khảo và phúc khảo trường thi Hương, ba lần làm quan độc quyển chấm thi Hội, thi Đình để lấy các bậc Tiến sĩ, Phó bảng. Ông là một nhà văn hóa đa diện: nhà giáo dục, nhà sử học, nhà thủy lợi, nhà kinh tế, từng làm đến Thượng thư bộ Hình và bộ Hộ, Phó tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc tử giám, đại thần Viện Cơ mật, đã cùng với Tôn Thất Thuyết kiên quyết chủ chiến, phò vua Hàm Nghi xuất bôn hạ chiếu Cần vương và kết thúc là cuộc đời của một nghĩa sĩ bị tù nơi Côn đảo, rồi thân xác gửi nơi biển cả trên đường bị thực dân Pháp đưa đi lưu đày ra đảo Tahiti. Cũng ở “Yên Mô tứ xã”, Côi Trì (nay thuộc xã Yên Mỹ) có nhà họ Ninh gồm ba Tiến sĩ: Ninh Đạt, Ninh Địch, Ninh Tốn; lại còn có nhà họ Nguyễn ba đời liền chiếm bảng vàng khoa cử: Nguyễn Tuyên đỗ phó bảng, làm Án sát Hải Dương, con là Nguyễn Khôi đỗ Cử nhân, cháu nội là Nguyễn Đình Chuyên cũng đỗ cử nhân. Còn ở Nội Khê có Lục Khê cư sĩ Phạm Đức Diệu, cả đời chuyên ngồi dạy học đào tạo nhiều bậc khoa bảng có tên tuổi. Cũng ở thôn này có hai anh em ruột cùng đỗ Cử nhân, đó là Phạm Chấn Lang đỗ khoa Mậu Thìn (1868) và em là Phạm Quý Liêm đỗ khoa Kỷ Dậu (1909).
 Huyện Hoa Lư, dưới triều Nguyễn, có nhà thơ và là nhà địa chí học Nguyễn Tử Mẫn. Ông quy ở thôn Đống Cao, nay là làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, đỗ Cử nhân năm 1841, làm tri huyện ít lâu rồi về quê dạy học và viết sách. Ông để lại cho đời sau cuốn Ninh Bình toàn tỉnh lục địa chí khảo biên bằng chữ Hán, một tài liệu quý cho người đời sau tìm hiểu về đất Ninh Bình.
Thời kỳ Pháp thuộc, biết bao nghĩa sĩ Cần Vương, rồi những nhà hoạt động cách mạng, từ phong trào Đông Du, Duy Tân, Việt Nam Quốc dân Đảng và nhất là từ sau khi có Đảng Cộng sản Đông Dương, trên giải đất Ninh Bình đã có nhiều nhân vật hiến cả cuộc đời mình cho đất nước. Đó là Lương Văn Thăng, Đinh Tất Miễn, Tạ Uyên, Trần Kiên, Lương Văn Tụy. Đó là những người con ưu tú của nhân dân Ninh Bình trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Ninh Bình đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước. Biết bao liệt sĩ, anh hùng đã nối tiếp các bậc tiền nhân hy sinh thân mình cho Tổ quốc, cho mảnh đất Ninh Bình, một vùng đất vừa đẹp, vừa anh hùng trong lịch sử đấu tranh.
Từ năm 1975 đến nay, Ninh Bình có nhiều thay đổi về địa lý hành chính. Theo đó, ngày 27/12/1975, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V ban hành Nghị Quyết hợp nhất tỉnh Ninh Bình và tỉnh Hà Nam thành tỉnh Hà Nam Ninh. Thị xã Ninh Bình và 6 huyện khu vực Ninh Bình thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.
Ngày 27/7/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 125/QĐ-CP về hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện, thị xã: Hợp nhất huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn thành huyện Hoàng Long; huyện Gia Khánh hợp nhất với thị xã Ninh Bình thành huyện Hoa Lư (thị xã Ninh Bình chuyển thành thị trấn Ninh Bình thuộc huyện Hoa Lư); Hợp nhất huyện Yên Mô với 9 xã phía Bắc huyện Yên Khánh và thị trấn Tam Điệp thành huyện Tam Điệp; sáp nhập 9 xã phía Nam huyện Yên Khánh vào huyện Kim Sơn. Thời gian này khu vực Ninh Bình gồm 4 huyện: Hoàng Long, Hoa Lư, Tam Điệp và Kim Sơn.
 Ngày 09/4/1991, Chính phủ ban hành Quyết định số 151-CP điều chỉnh một số huyện, thị trấn thuộc tỉnh Hà Nam Ninh, tách huyện Hoàng Long thành hai huyện: Hoàng Long và Gia Viễn, cắt 5 xã Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Tường, Gia Thủy (thuộc huyện Gia Viễn trước năm 1977) nhập vào huyện Hoàng Long; tách thị trấn Ninh Bình (thuộc huyện Hoa Lư) thành lập thị xã Ninh Bình; cắt xã Ninh Thành (huyện Hoa Lư) nhập vào thị xã Ninh Bình.
Từ ngày tái lập tỉnh 01/4/1992, Ninh Bình đã có nhiều thay đổi với khí thế vươn lên mạnh mẽ. Ngày 17/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định số 200-HĐBT thành lập thị xã Tam Điệp gồm thị trấn Tam Điệp và 2 xã Yên Sơn, Yên Bình (thuộc huyện Tam Điệp tách ra).
Ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà, Ninh Bình. Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới (tái lập) gồm 5 huyện: Hoàng Long, Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp, Kim Sơn và hai thị xã Ninh Bình, Tam Điệp.
Ngày 23/11/1993, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88-CP đổi tên huyện Hoàng Long thành huyện Nho Quan (như trước đây).
Ngày 04/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 59-CP thành lập lại huyện Yên Khánh gồm 10 xã phía bắc Yên Khánh (thuộc huyện Tam Điệp từ năm 1977) và 9 xã phía nam Yên Khánh (thuộc huyện Kim Sơn từ năm 1977), đổi tên huyện Tam Điệp thành huyện Yên Mô (như trước đây).
Ngày 09/01/2004, Chính phủ ra Nghị định số 16/2004/NĐ-CP cắt 6 xã thuộc huyện Hoa Lư (Ninh Khánh, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Sơn, Ninh Phong, Ninh Phúc) nhập vào thị xã Ninh Bình.
Đầu năm 2005, tỉnh Ninh Bình gồm 8 đơn vị hành chính: thị xã Ninh Bình là thị xã tỉnh lỵ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, gồm 8 phường và 6 xã, thị xã Tam Điệp - khu công nghiệp của tỉnh, gồm 3 phường và 4 xã; huyện Nho Quan gồm 1 thị trấn và 26 xã; huyện Gia Viễn gồm 1 thị trấn và 19 xã, huyện Kim Sơn gồm 1 thị trấn và 25 xã.
Tỉnh Ninh Bình nằm ở phía Đông Nam đồng bằng Bắc Bộ, trong tọa độ 19050 đến 20027 vĩ độ Bắc, 105032 đến 106027 kinh độ Đông, cách thủ đô Hà Nội hơn 90 km về phía Nam. Phía Bắc tỉnh Ninh Bình giáp tỉnh Hà Nam; phía Đông Bắc và Đông giáp tỉnh Nam Định, có sông Đáy là ranh giới; phía Đông Nam giáp biển Đông; phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Thanh Hóa, có dãy núi Tam Điệp là ranh giới; phía Tây và Tây Bắc giáp tỉnh Hòa Bình.
 Với vị trí đó, tỉnh Ninh Bình là một địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tỉnh Ninh Bình có diện tích tự nhiên hơn 1400 km2 trong đó diện tích đất nông nghiệp hơn 70.000 ha(48,9%), đất lâm nghiệp gần 20.000 ha (14,4%); diện tích đất chuyên dùng gần 17.000 ha (12,1%); diện tích khu dân cư hơn 5.000 ha (3,7%).vv…
Địa hình tự nhiên phân thành 3 vùng rõ rệt: Vùng đồi núi bán sơn địa gồm huyện Nho Quan và một phần thị xã Tam Điệp; vùng đồng bằng chiêm trũng gồm huyện Gia Viễn và huyện Hoa Lư…; vùng Đồng bằng ven biển gồm phía Nam huyện Yên Khánh, một phần phía Đông huyện Yên Mô, huyện Kim Sơn. Hằng năm, vùng bãi bồi thuộc huyện Kim Sơn tiếp tục tiến ra biển khoảng 80 đến 100m. Rừng núi Ninh Bình nằm trong hệ đá vôi hình cánh cung, chạy dài từ vùng Tây Bắc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Khu rừng nguyên sinh Cúc Phương thuộc huyện Nho Quan có rất nhiều thực vật, động vật quý hiếm.
 Trong các núi ở Ninh Bình có nhiều hang động đẹp nổi tiếng, như Nam thiên đệ nhị động (Bích Động), Nam thiên đệ tam động (Địch Lộng), động Thiên Tôn, động Liên Hoa …. Đặc biệt, có vùng đèo Ba Dội là “cổ họng Bắc - Nam” cửa ải trọng yếu giữa khu III và khu IV của đất nước.
Khí hậu ở Ninh Bình tương đối đồng nhất - là vùng tiểu khí hậu, mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc va gió mùa Đông Nam. Khu rừng nguyên sinh Cúc Phương thuộc huyện Nho Quan có rất nhiều thực vật, động vật quý hiếm.
Hệ thống giao thông thủy bộ ở Ninh Bình tương đối thuận tiện, thuận lợi giao lưu kinh tế - văn hóa, thông thương vào Nam ra Bắc và ngược lên các tỉnh vùng Tây Bắc. Đường bộ có Quốc lộ 1A chạy qua địa bàn tỉnh khoảng 30 km. Quốc lộ 10 chạy qua các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ, đường 59, đường 12A, 12B, 12C …. tổng chiều dài 120 km, với các tuyến đường bộ trong tỉnh, liên huyện, liên xã tổng chiều dài hàng ngàn km.
Đường sắt xuyên Việt chạy qua địa bàn tỉnh khoảng hơn 20 km, với 4 nhà ga: Ninh Bình, Cầu Yên, Ghềnh, Đồng Giao … Đường thủy gồm hệ thống các con sông lơn nhỏ tổng chiều dài gần 500 km, trong đó có các sông lớn như sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Bôi, sông Lạng, sông Vạc v.v…
Ninh Bình có 2 cảng sông: Cảng Ninh Bình và Cảng Ninh Phúc thông ra biển Đông. Tài nguyên thiên nhiên ở Ninh Bình có than bùn, đá vôi (trữ lượng hàng tỷ m3), nước khoáng .v.v… Thiên nhiên đã tạo cho Ninh Bình một vùng đất có biển, có rừng núi, có đồng bằng giàu tiềm năng phát triển kinh tế toàn diện. Và là một địa bàn có thế hiểm yếu về quân sự: tiến có thể đánh, lui có thể giữ, Ninh Bình - một vùng đấy mang đầy dấu tích lịch sử chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước từ thời Hai Bà Trưng đến ngày nay.
Dân số Ninh Bình những năm 1927 - 1928  khoảng gần  300.000 ngàn người; năm 1945 khoảng 350.000 người; năm 2005 hơn 900.000 người. Mật độ trung bình 662 người/km.
 Những thành tựu kinh tế- xã hội 20 năm qua tiếp thêm niềm tin mới, quyết tâm mới. Thành phố Ninh Bình đang hướng đến một Thành phố văn minh, hiện đại. Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng Ninh Bình phát triển bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Với xu hướng tìm về cội nguồn, gần gũi với thiên nhiên, Tam Cốc, Bích Động, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long và suối nước nóng Kênh Gà được khá nhiều khách du lịch lựa chọn, nhất là khách du lịch nước ngoài. Tất nhiên, không ai có thể không ghé qua cố đô Hoa Lư cổ kính mà uy nghiêm.
Đến với Ninh Binh, du khách không chỉ được thả hồn vào khung cảnh sơn thủy hữu tình mà còn được đắm mình trong không gian văn hóa đậm đà của vùng đất châu thổ Sông Hồng với những lễ hội truyền thống như lễ hội Đền Thái Vi, đền Hoa Lư và nhiều hội làng mang đậm yếu tố dân gian.
Qua những lễ hội ấy, nét văn hóa, truyền thống của người dân xứ Bắc và tập quán của người vùng quê Ninh Bình càng rõ nét. Đó cũng là thói quen của những con người hiền hậu, giản dị, quanh năm bươn bải nắng mưa với ruộng đồng, mùa màng, nhớ ngày hội làng, nhớ về tổ tiên xếp lại mọi việc để hành lễ.
Tất cả những điều đó đã làm nên nét riêng của đất và người Ninh Bình. Và mỗi người chỉ có thể cảm nhận được điều đó khi đến với những con người và những danh lam thắng cảnh nơi Cố đô Hoa Lư và Ninh Bình hiện đại trong thời kỳ hội nhập và phát triển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét